Lịch sử Thư viện Quốc gia Pháp

Thư viện hoàng gia

Lâu đài Blois, địa điểm của thư viện dưới thời François I

Thư viện Quốc gia Pháp ngày nay được khởi nguồn từ bộ sưu tập sách cá nhân của hoàng gia cách đây hơn 6 thế kỷ. Vào năm 1368, vua Charles V—cũng là một học giả, một người đam mê sách—cho thành lập một thư viện riêng với 917 bản sách chép tay, được đặt trong tòa tháp Fauconnerie của cung điện Louvre.[1] Tuy nhiên, sau cái chết của Charles, bộ sưu tập quý giá này đã bị phân tán rải rác trong cuộc chiến tranh Trăm năm, ngày nay chỉ còn lưu lại được 60 cuốn.[2] Phải đến thời Louis XI, vị vua trị vì từ năm 1461 tới 1483, thư viện hoàng gia mới được thành lập trở lại và tiếp tục tồn tại qua những vương triều sau đó. Trong khoảng thời gian cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16, nhờ những chiến lợi phẩm của hai vị vua Charles VIIILouis XII trong cuộc xâm lăng nước Ý, bộ sưu tập sách của thư viện bắt đầu trở nên phong phú.[3]

Sau khi chuyển đến Amboise rồi Blois, thư viện hoàng gia được hợp nhất với thư viện của François I, vốn đặt trong cung điện Fontainebleau từ năm 1522, do học giả, nhà nhân văn nổi tiếng Guillaume Budé quản lý.[4] Bên cạnh việc bổ sung thêm những cuốn sách chép tay tiếng Hy Lạp quý giá, vua François I còn đưa ra một quyết định quan trọng. Với chiếu dụ Montpellier ngày 28 tháng 12 năm 1537, François I yêu cầu tất cả các cuốn sách được xuất bản tại Pháp đều phải có một bản sao lưu trữ trong thư viện của lâu đài Blois. Quy chế lưu chiểu này, rất gần với ý tưởng về một thư viện quốc gia, đã đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử của thư viện.[4]

Cuối thế kỷ 16, thư viện hoàng gia được chuyển về Paris và nằm trong khu phố La Tinh bên tả ngạn. Từ năm 1666, nhờ Jean-Baptiste Colbert, vị bộ trưởng tài chính của vua Louis XIV, thư viện bắt đầu bước vào một thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Colbert đã cho mua lại nhiều bộ sưu tập sách cá nhân, đồng thời thư viện cũng nhận được không ít những tặng vật quan trọng. Rời khỏi khu phố La Tinh, thư viện chuyển về trụ sở mới trên phố Vienne, không xa địa điểm Richelieu ngày nay. Khi số lượng sách dần trở nên quá lớn, cũng là khi các thủ thư bắt đầu gặp khó khăn trong việc quản lý tài liệu. Điều này đã thúc đẩy Nicolas Clément, giám đốc thư viện từ năm 1691, đưa ra một phương pháp phân loại mới, ngày nay vẫn còn được sử dụng.[5]

Thế kỷ 18 có thể xem như một giai đoạn hoàng kim trong lịch sử thư viện. Từ năm 1720, thư viện của nhà vua bắt đầu mở cửa cho công chúng, mỗi tuần một lần. Bộ sưu tập sách cũng dần được chuyển về trụ sở mới trên phố Richelieu. Tu sĩ Jean-Paul Bignon, người giữ chức giám đốc từ năm 1719, đã tổ chức thư viện thành năm khu lưu trữ: sách viết tay, sách in, tài liệu tước vị và phả hệ, bản khắc và khuôn rập, huy hiệu và trang sức đá. Cũng trong thời kỳ quản lý của tu sĩ Bignon, thư viện của nhà vua trở thành một trung tâm tri thức quan trọng bậc nhất, nơi những triết gia, nhà văn nổi tiếng như Diderot, Voltaire, Rousseau... thường xuyên tìm đến.[5]

Từ Cách mạng Pháp đến thế kỷ 20

Cách mạng Pháp đã mở ra một trang mới trong lịch sử của thư viện. Không như nhiều tài sản hoàng gia khác, thư viện chính thức trở thành Thư viện Quốc gia và không bị tổn hại trong những năm đầy biến động này. Mặc dù quy chế lưu chiểu bị xóa bỏ trong vòng ba năm, số lượng sách của thư viện lại tăng lên đáng kể nhờ những bộ sưu tập được đưa tới từ thư viện của giới tăng lữ và những người đào vong. Ước tính, khoảng 250 nghìn cuốn sách, 14 nghìn bản viết tay và 25 nghìn bản in đã được đưa về Thư viện Quốc gia trong giai đoạn này.[6] Thời kỳ Đốc chính, chế độ Tổng tài, rồi Đệ nhất đế chế lần lượt tiếp nối. Mặc cho những sóng gió của lịch sử, trữ lượng tài liệu của thư viện không ngừng tăng lên. Không chỉ từ Paris hay các tỉnh của Pháp, những cuốn sách của Bỉ, Hà Lan, Đức cũng được chuyển về Thư viện Quốc gia sau những cuộc chinh phạt của Napoléon.[7]

Lễ khánh thành Phòng đọc Labrouste tại Địa điểm Richelieu-Louvois, trong tháng 6 năm 1868. Minh họa của báo Le Monde

Thế kỷ 19, thư viện bắt đầu phải đối mặt với tình trạng thiếu không gian lưu trữ. Bên cạnh đó, những chậm trễ trong việc xây dựng thư mục cũng gây nên rất nhiều lời kêu ca. Năm 1858, một ủy ban do Prosper Mérimée chỉ đạo đã soạn thảo một bản báo cáo nhằm tổ chức lại thư viện. Hoàng đế Napoléon III chấp nhận một phần của bản dự thảo này và giao cho kiến trúc sư Henri Labrouste chỉ huy việc xây dựng. Vẫn trên khu đất bên con phố Richelieu, nhiều tòa nhà mới mọc lên, trong đó có hai phòng đọc được mở cửa cho công chúng. Từ năm 1874, nhờ sự thúc đẩy của vị tổng quản lý mới Léopold Delisle, danh mục sách in bắt đầu được thực hiện và sau hơn một thế kỷ, tới năm 1981 mới hoàn thành. Những năm cuối thế kỷ 19 cũng là khoảng thời gian thư viện bắt đầu theo đuổi chính sách thu thập bản thảo của các nhà văn danh tiếng, đặc biệt từ sau khi nhận được những di cảo của Victor Hugo vào năm 1881.[8]

Trong suốt thế kỷ 20, Thư viện Quốc gia không ngừng mở rộng và hiện đại hóa. Tại Versailles, ba chi nhánh của thư viện được xây dựng, hoàn thành vào các năm 1934, 1954 và 1971. Cuối thập niên 1930, các phòng thư mục và ấn phẩm định kỳ lần lượt được thành lập. Năm 1946, bộ sưu tập những bản khuôn rập có một phòng lưu trữ riêng tại dinh thự Tubeuf trên phố Vivienne, và từ năm 1954, các bản đồ, bản vẽ cũng được chuyển về đây. Trên các con phố Louvois, Richelieu, nhiều tòa nhà được sửa chữa lại hoặc xây dựng mới, dành cho các không gian lưu trữ và hành chính.[9]

Thư viện Quốc gia hiện đại

Mặc cho những cố gắng không ngừng nghỉ, đến cuối thập niên 1980, những vấn đề cốt lõi của thư viện vẫn không thể giải quyết. Từ khi luật lưu chiểu được sửa đổi vào năm 1925, khối lượng sách của thư viện tăng đều đặn, đòi hỏi những không gian lưu trữ lớn hơn. Bên cạnh đó, số lượng độc giả tới thư viện cũng ngày càng đông—một phần do sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục đại học—khiến những phòng đọc cũ trở nên chật trội. Tại Paris, trụ sở của thư viện bị giới hạn bởi bốn con phố Richelieu, Colbert, Vivienne và Petits-Champs nên việc mở rộng hầu như không thể. Những chi nhánh ở Versailles cùng các trung tâm bảo quản, phục hồi sách ở các tỉnh vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu không gian lưu trữ. Sau những cuộc tranh luận kéo dài trong suốt thập niên 1980, ngày 14 tháng 7 năm 1988, Tổng thống François Mitterrand thông báo quyết định xây dựng một thư viện mới.[10]

Địa điểm Mitterrand

Mùa thu năm 1988, Patrice Cahart, chủ tịch Hội đồng hành chính Thư viện quốc gia, và Michel Melot, giám đốc Thư viện thông tin công cộng, được giao trách nhiệm soạn thảo đề án.[11] Sau nhiều đắn đo, thư viện mới cũng tìm được vị trí bên bờ sông Seine, trong khu phố cũ thuộc Quận 13, ngày nay mang tên Paris Rive Gauche. Năm 1989, Cơ quan Thư viện Pháp chính thức được thành lập. Trên cương vị giám đốc, nhà văn Dominique Jamet đứng ra tổ chức một cuộc thi kiến trúc quốc tế và Ieoh Ming Pei, kiến trúc sư nổi tiếng từng thực hiện dự án Grand Louvre trước đó, giữ vai trò chủ tịch ban giám khảo. Trong bốn đề án cuối cùng còn lại của cuộc thi, nổi bật lên bản thiết kế táo bạo của kiến trúc sư trẻ người Pháp Dominique Perrault.[12] Ngày 21 tháng 8 năm 1989, đích thân Tổng thống François Mitterrand đưa ra quyết định lựa chọn phương án này.[13]

Năm 1991, công trình được tập đoàn Bouygues khởi công xây dựng với chi phí lên tới gần 8 tỷ franc, tốn kém nhất trong số những dự án của "vị tổng công trình sư" François Mitterrand.[14][15] Đầu năm 1994, khi tiến độ thi công đang được đẩy mạnh, Bộ Văn hóa ra quyết định hợp nhất Thư viện Quốc gia và Cơ quan Thư viện Pháp, chính thức khai sinh Thư viện Quốc gia Pháp.[16] Chỉ vài tuần trước khi rời điện Élysée, ngày 30 tháng 3 năm 1995, François Mitterrand khách thành công trình, khi đó vẫn hầu như trống rỗng.[15] Phải đến cuối năm 1996, ngày 20 tháng 12, thư viện mới mang tên François-Mitterrand mới được mở cửa.[13]